Hiệp ước Anh-Ireland Michael_Collins

Đoàn đàm phán Ireland do Arthur Griffith làm chủ tịch và Robert Barton (cùng với Robert Erskine Childers là Tổng thư ký) tới đặt trụ sở tại số 22 Hans Place tại Knightsbridge ngày 11 tháng 10 năm 1921, và ở lại đó cho tới khi kết thúc cuộc đàm phán vào tháng 12. Collins chọn nhà nghỉ riêng tại số 15 Cadogan Gardens. Nhóm tùy viên của ông bao gồm Liam Tobin, Ned BroyJoe McGrath[3]. Bản thân Collins phản đối việc chỉ định ông làm yếu nhân trong đoàn, vì ông không phải là người lãnh đạo chính phủ, và vì ông không muốn để lộ tung tích của mình với người Anh, phòng trường hợp xung đột nổ ra trở lại, nó sẽ làm giảm hiệu quả của ông trong vai trò thủ lĩnh du kích. Collins biết rằng hiệp định, nhất là vấn đề chia cắt đất nước sẽ khó được chấp thuận tại Ireland, nên khi ký tên vào hiệp định, ông dự báo "tôi đang ký tên vào bản án tử hình của mình"

Cuộc đàm phán đi đến kết quả là Hiệp định Anh-Ireland được ký kết vào ngày 6 tháng 12 năm 1921, mang lại một quốc gia Ireland mới, với tên gọi "Irish Free State" - "Nước Ireland Tự do" (dịch nghĩa từ tiếng Ireland Saorstát Éireann, được dùng trong tiêu đề bức thư mà de Valera dùng, dù ông ta dịch là Cộng hòa Ireland). Nước Ireland Tự do chính thức được thành lập tháng 12 năm 1922.

Bản hiệp ước để ngỏ khả năng 6 hạt miền bắc Ireland có quyền không tham gia thành phần nước Ireland Tự do mới thành lập (và các hạt này ngay tức khắc sử dụng quyền ấy). Nếu điều này xảy ra, một Ủy ban Biên giới sẽ được thành lập để vẽ lại đường biên của Ireland, mà Collins dự tính sẽ giảm diện tích miền Bắc Ireland tới mức về mặt kinh tế nó sẽ khó mà tồn tại được, vì đa phần những người Unionist (người ủng hộ duy trì Ireland như một phần lãnh thổ Anh) sống tập trung trong một khu vực tương đối nhỏ ở phía đông Ulster, nên rốt cuộc nó sẽ phải hợp nhất với Ireland.

Quốc gia non trẻ này sẽ tiếp tục nằm trong Đế quốc Anh, với quyền hành pháp nằm trong tay nhà vua Anh, nhưng thực thi thông qua Hạ viện Ireland gọi là Dáil Éireann, một hệ thống tòa án độc lập, và một nền độc lập vượt xa hơn rất nhiều những gì ông Charles Stewart Parnell hoặc Irish Parliamentary Party (đảng Quốc hội Ireland) từng mong đợi.

Những người Cộng hòa coi đó là sự bán rẻ tổ quốc, thay vì một nhà nước cộng hòa thì Ireland vẫn tiếp tục nằm trong Đế quốc Anh, và người Ireland phải tuyên thệ trung thành với vua Anh. Từ ngữ trong văn bản thực tế thì lời tuyên thệ trung thành là với Nước Ireland Tự do, rồi mới đến lời thề trung thành với nhà vua Anh, như một phần của điều ước trong Hiệp định, chứ không phải là một lời thề duy nhất với nhà vua Anh.

Đảng Sinn Féin bị chia rẽ sâu sắc vì bản hiệp định này, thành viên Dáil tranh cãi quyết liệt trong suốt mười ngày cho tới khi nó được thông qua với 64 phiếu thuận và 57 phiếu chống[4]. Trong quá trình đó, Cathal Brugha tuyên bố Collins không phải là chỉ huy quân sự mà báo chí gọi là "người hùng chiến thắng nước Anh". Sự thực là, Collins là người chịu trách nhiệm chính cho hoạt động của IRA trong suốt cuộc chiến. De Valera gia nhập phe phản đối hiệp ước, không chấp nhận những thỏa hiệp trong đó. Những người công kích ông ta buộc tội de Valera thừa hiểu Hoàng gia Anh thế nào cũng phải có bóng dáng trong bất kỳ bản hiệp định nào được ký, và rằng ông ta đã "non gan" không dám đứng đầu đoàn đàm phán, vì biết trước rằng không thể nào đạt được nền cộng hòa với một bản hòa ước ngắn hạn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Michael_Collins http://www2.cruzio.com/~sbarrett/mcollins.htm http://generalmichaelcollins.com/ http://www.michaelcollinscentre.com/index.html http://www.militaryhistoryonline.com/20thcentury/a... http://www.ucc.ie/celt/published/E900003-001/ http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/northern_irelan... https://archive.org/details/michaelcollinsbi00coog https://archive.org/details/michaelcollinsow00talb... https://archive.org/details/michaelcollinst00ocon https://web.archive.org/web/20090721144156/http://...